Qua hơn 5 năm triển khai chính sách trên địa bàn tỉnh các hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất giao rừng, các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và các cộng đồng dân cư thôn đã có nguồn lực tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đời sống của người làm nghề rừng, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cải thiện rõ rệt qua từng năm. Qua đó đã huy động đông đảo người dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân tham gia trực tiếp bảo vệ rừng. Xác định vai trò và quyền lợi của người dân trong quản lý và bảo vệ rừng bằng cách chia sẻ kiến thức và lợi ích với người dân địa phương thông qua việc hỗ trợ người dân sử dụng tiền DVMTR hiệu quả trong phát triển sinh tế hộ gia đình. Sự tham gia của người dân là một trong những yếu tố căn bản giúp cho việc quản lý rừng bền vững được tốt hơn. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã hướng dẫn cho các hộ gia đình, cá nhân các mô hình sản xuất phù hợp với kinh phí, điều kiện thực tiễn của nhân dân địa phương, kiến thức và kỹ năng về sử dụng tiền DVMTR hiệu quả trong phát triển sinh kế và cách lập kế hoạch phát triển sinh kế của hộ gia đình. Các hoạt động phát triển sinh kế được thiết kế nhằm tăng thu nhập, nâng cao năng lực và nhận thức của hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn về bảo vệ và phát triển rừng; tạo môi trường thuận lợi để hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn có điều kiện tham gia tốt hơn vào các hoạt động quản lý rừng, giảm thiểu việc khai thác tài nguyên rừng của người dân; phát triển sinh kế được xem là một cách thức tạo cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn nguồn thu nhập để thực hiện các nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng.
Hy vọng rằng cách truyền thông này từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum sẽ giúp các hộ gia đình biết cách sử dụng tiền DVMTR để thực hiện đầu tư phát triển sinh kế thông qua các hoạt động sản xuất lâm nghiệp (trồng rừng sản xuất), nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) tùy theo điều kiện năng lực hộ gia đình, điều kiện khí hậu của địa phương mà hộ gia đình, cá nhân lựa chọn mô hình sao cho phù hợp với: tài chính hộ gia đình; năng lực: kỹ thuật, học hỏi từ xung quanh; phù hợp với khí hậu và đất đai tại địa phương; có nguồn thu/bán được trong năm (thời gian ngắn); dễ tiêu thụ, có lãi; tính được rủi ro của loại hình sản xuất lựa chọn. Từ đó, giúp cải thiện điều kiện kinh tế của người dân, qua đó làm cho người dân thấy được lợi ích của rừng, gắn bó với rừng và quản lý, bảo vệ rừng bền vững./