Sau nhiều năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã thể hiện là một trong những chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng và Nhà nước ta trong công tác quản lý bảo vệ rừng; chính sách chi trả DVMTR đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo lập được nguồn lực tài chính mới, ổn định, bền vững phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần cải thiện sinh kế cho các hộ dân sống trong rừng, gần rừng gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo kết quả nghiệm thu năm 2016 của cơ quan có thẩm quyền: diện tích rừng cung ứng DVMTR năm 2016 là: 360.244,38 ha, bao gồm: 23 đơn vị chủ rừng là tổ chức quản lý 289.493,15 ha rừng; 74 UBND xã, thị trấn quản lý 25.798,61 ha rừng; 3.627 hộ gia đình và 22 cộng đồng dân cư được nhà nước giao đất, giao rừng quản lý diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng là 44.952,62 ha. Các chủ rừng là tổ chức, ngoài chi phí quản lý được trích từ tổng số tiền DVMTR nhận được từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, các đơn vị còn được hưởng số tiền quản lý, bảo vệ rừng đối với diện tích tự quản lý (trừ số tiền tương ứng với diện tích đã giao khoán cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư phải trả cho người dân). Từ nguồn kinh phí này, các chủ rừng sẽ chi đầu tư thêm cho công tác chống chặt phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, tổ chức các đợt tuần tra truy quét, góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng phá rừng, cháy rừng xảy ra trên địa bàn quản lý. Theo Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 17/4/2017 của UBND tỉnh Kon Tum về việc công bố hiện trạng rừng tỉnh Kon Tum năm 2016 thì độ che phủ rừng của tỉnh Kon Tum (bao gồm cả cây cao su, cây đặc sản) đạt 62,3%, cao nhất tại khu vực Tây Nguyên.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực trong năm 2016, cụ thể như sau:
- Đã ủy thác cho Ban chi trả cấp huyện thanh toán tiền DVMT kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền là 13.407.651.313 đồng (trong đó, bao gồm: chi trả cho 3.627 hộ gia đình là 12.721.641.819 đồng, chi trả cho 22 cộng đồng là 686.009.494 đồng) quản lý bảo vệ diện tích rừng được nhà nước giao là 44.952,62 ha. Thu nhập hàng năm bình quân mỗi hộ gia đình khoảng 3,5 triệu đồng/hộ/năm; bình quân mỗi cộng đồng dân cư thôn khoảng 31 triệu đồng/cộng đồng/năm.
- Theo báo cáo của các đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước và UBND cấp xã: tổng số hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài từ các chủ rừng là tổ chức và UBND cấp xã là 153 cộng đồng dân cư thôn, 160 nhóm hộ và 1.523 hộ gia đình, cá nhân; diện tích rừng bảo vệ là 108.817,45 ha. Thu nhập bình quân hàng năm của mỗi hộ nhận khoán khoảng 05 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 88 triệu đồng/cộng đồng/năm; nhóm hộ khoảng 37 triệu đồng/nhóm hộ/năm.
Từ những kết quả cụ thể nêu trên cho thấy việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực trong việc tạo được nguồn lực tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng, đời sống của người làm nghề rừng được cải thiện rõ rệt qua từng năm, đặc biệt là cộng đồng dân cư, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó đã huy động đông đảo người dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân tham gia trực tiếp bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, diện tích và chất lượng rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn; tình trạng phá rừng, xâm hại tài nguyên rừng giảm đáng kể.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan, nhằm phát huy những kết quả đạt được trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp và đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm đưa chính sách chi trả DVMTR đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế, xã hội, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng dân cư, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh./.