Tham dự hội thảo có các đại diện đến từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Hội chủ rừng Việt Nam, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp và các đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh và một số cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn.
Nghị định số 156/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 đã tạo chuyển biến quan trọng trong phát triển lâm nghiệp, đóng góp tích cực vào việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, một số quy định tại Nghị định đã bộc lộ những bất cập, hạn chế; bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống pháp luật chung đã có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 138) quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng là một trong 4 loại hình của hệ sinh thái tự nhiên được chi trả dịch vụ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp...Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP là cần thiết, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại trong lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý triển khai đối với loại dịch vụ môi trường rừng mới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, trình Chính phủ xem xét./.