Thực hiện Chương trình số 08-CTr/CB ngày 17 tháng 8 năm 2021của Chi bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về việc Giúp đỡ, xây dựng xã kết nghĩa Văn Lem, huyện Đăk Tô năm 2021; trên cơ sở Giấy mời ngày 09 tháng 11 năm 2021 của Đảng ủy xã Văn Lem về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn Dân tộc trên địa bàn xã Văn Lem năm 2021;
Ngày 11 tháng 11 năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phân công Tổ công tác của cơ quan xuống xã kết nghĩa Văn lem, huyện Đăk Tô để tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2021, nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021); đến dự có đồng chí A Hơn-Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Đăk Tô; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Đăk Tô, đại diện lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền xã Văn Lem và đông đủ bà con nhân dân trong thôn đến dự ngày hội.
Quang cảnh Ngày hội tại nhà rông thôn Tê Pên, xã Văn Lem
Tại Ngày hội, các đại biểu và bà con nhân dân trong thôn đã ôn lại lịch sử truyền thống 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021); đánh giá kết quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng khu dân cư năm 2021. Thôn Tê Pên, xã Văn Lem hiện có 101 hộ với 468 nhân khẩu, có hơn 95% là người dân tộc thiểu số (người Xê đăng). Thu nhập bình quân đầu người 26 triệu đồng/người/năm (tăng 1 triệu đồng so với năm 2020). Thôn có 26 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 161 ha; diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm 48 ha; tổng đàn gia súc 158 con, gia cầm trên 2400 con. Trong năm qua, Ban công tác Mặt trận thôn Tê Pên, xã Văn Lem đã phối hợp với chính quyền và các đoàn thể trong thôn tuyên truyền, vận động bà con nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống ổn định, từng bước phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới; xây dựng đời sống văn hóa, tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng; phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, vận động toàn dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ môi trường; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. Trong năm 2021, Thôn Tê Pên đã có 90/101 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa năm 2021, 70 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa 3 năm liền. Nhân dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Đảng ủy, UBND xã Văn Lem đã khen thưởng cho các hộ gia đình tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng khu dân cư năm 2021.
Đồng chí A Hơn – Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy phát biểu chỉ đạo
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện khen thưởng cho hộ gia đình tiêu biểu của thôn Tê Pên
Ngoài ra, Tổ công tác Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, UBND xã Văn Lem, huyện Đăk Tô:
- Nắm tình hình công tác phòng, chống, ứng phó với bão, lũ, thiên tai, ... gây ra; công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và hỗ trợ kịp thời các gia đình có hoàn cảnh khó khăn theo nhu cầu và nguyện vọng của người dân trên địa bàn xã;
- Kiểm tra các mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Chi bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để hưởng ứng Cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” theo kết luận số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể: (1) Kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật các hộ gia đình: hộ A Vinh thôn Đăk Xanh,hộ A Vươngvà hộ Y Nguyệt thôn Tê Rông việc thực hiện tốt mô hình nuôi heo sọc dưa sinh sản, làm nơi để các hộ gia đình, cá nhân khác học tập, nhằm nhân rộng mô hình; (2) Kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật hộ gia đình A Cá-Y Bi thực hiện tốt mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Chi bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh trong việc hỗ trợ hướng dẫn trồng, chăm sóc 0,5 ha cây cà phê để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo đảm bảo hiệu quả.
Việc thường xuyên phân công công chức, viên chức, người lao động xuống xã kết nghĩa, giúp cho công chức, viên chức, người lao động của cơ quan gần dân, sát dân, nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó tham mưu lãnh đạo và cấp có thẩm quyền có kế hoạch giúp người dân phát triển sinh kế bền vững, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân, đồng thời cùng giúp cho công chức, viên chức, người lao động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh có trách nhiệm, ý thức hơn với công tác xã hội và đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa, từ đó góp phần xây dựng Khối Đại đoàn kết toàn dân tộc./.