Những năm gần đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại tỉnh Kon Tum đã và đang mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ khi huy động được các nguồn lực của xã hội cho việc bảo vệ và phát triển rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức của người dân trong việc quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã luôn tuân thủ chặt chẽ quy định chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người giữ rừng cũng như người sử dụng DVMTR mà rừng mang lại;
Thực hiện Quyết định số 143/QĐ-UBND ngày 06/3/2017 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch thu, chi tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2016 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch về việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, sau khi chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng xong (bao gồm 23 chủ rừng là tổ chức, 74 UBND các xã, thị trấn, 3.627 hộ gia đình và 22 cộng đồng dân cư thôn quản lý bảo vệ 360.344,28 ha rừng); Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thông báo kết quả chi trả cho các đơn vị sử dụng dịch vụ biết, cụ thể: đã ban hành 27 văn bản, thông báo cho các đơn vị sử dụng dịch vụ về kết quả chi trả tiền DVMTR trong năm 2016 cho các chủ rừng nằm trong lưu vực 27 nhà máy thủy điện (trong đó: có 17 nhà máy thủy điện có lưu vực nội tỉnh và 10 nhà máy thủy điện có lưu vực liên tỉnh), thông báo đã nêu rõ kết quả thu và phân bổ sử dụng tiền chi trả DVMTR mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả cho các chủ rừng nằm trong lưu vực các nhà máy thủy điện.
Việc công khai, minh bạch đầy đủ thông tin về thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ giúp cho các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng biết được số tiền của các đơn vị này ủy thác cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã được chi trả đầy đủ cho các chủ rừng; từ đó tác động tích cực đến việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR của các đơn vị sử dụng dịch vụ, giúp họ nâng cao nhận thức về việc người sử dụng dịch vụ phải chi trả tiền và nhận thức được việc đầu tư bảo vệ rừng chính là đầu tư vào sản xuất, là đầu tư cho sự bền vững của các công trình thuỷ điện và đời sống của con người; những cánh rừng trong lưu vực được bảo vệ giúp cho cải thiện nguồn nước phục vụ sản xuất thủy điện và đời sống con người được tốt hơn./.