Thực hiện Quyết định số 81/QĐ-UBND ngày 06/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định thực hiện thu tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã đăng ký làm việc với 09 đơn vị (10 nhà máy cấp nước) để thương thảo ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch đối với các nhà máy sản xuất nước sạch.
Hầu hết các đơn vị đều thống nhất và ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Chính phủ tại các Nghị định: số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; số 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, đã có 07 đơn vị (08 nhà máy cấp nước) ký hợp đồng ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Còn 02 đơn vị hiện chưa điều chỉnh phương án bổ sung khoản tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng 52 đồng/m3 vào cơ cấu giá trình các ngành thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã đề nghị các đơn vị sớm điều chỉnh phương án, bổ sung khoản tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng 52 đồng/m3 nước thương phẩm trong cơ cấu giá bán trình các ngành chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét và phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thương thảo ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định hiện hành.
Ảnh: Thương thảo, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR.
Nguồn thu tiền chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch đối với các nhà máy sản xuất nước sạch tuy không lớn, nhưng sẽ đóng góp một phần vào nguồn thu chung của Quỹ tỉnh, góp phần đầu tư trực tiếp vào việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; thực hiện tốt công tác xã hội hóa nghề rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng, đặc biệt là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Khuyến khích người dân và các cấp chính quyền địa phương tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng diện tích, chất lượng rừng, phát huy vai trò rừng phòng hộ đầu nguồn, tăng tính đa dạng sinh học, cải thiện môi trường sinh thái./.