Triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2011, UBND tỉnh Kon Tum đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh và thiết lập các Ban chi trả cấp huyện do Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố kiêm nhiệm. Qua 5 năm hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu được trên 686 tỷ đồng, tiến hành giải ngân trên 548 tỷ đồng (đạt 79,89% số thu kể cả lãi).
Tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR của Quỹ Kon Tum
Chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, đó là: Tạo lập cơ sở kinh tế bền vững để người dân yên tâm bảo vệ rừng, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các chủ rừng là các tổ chức nhà nước chủ động về nguồn tài chính hàng năm để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới. Diện tích khoán cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư để bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh được nâng cao cả về quy mô và đối tượng; tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR đến năm 2015 là 360.103,41 ha đạt khoảng 60% tổng diện tích rừng toàn tỉnh.
Qua kiểm tra, nghiệm thu, diện tích cung ứng DVMTR thời gian qua cho thấy diễn biến diện tích rừng, trạng thái rừng, nguồn gốc rừng, số đơn vị cung ứng DVMTR năm sau tăng hơn so với năm trước. Các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được giao đất, giao rừng nhận tiền DVMTR tăng lên đáng kể nên đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân sống trong rừng và gần rừng, đây là một trong những giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả và bền vững cần phát huy trong thời gian tới.
Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; các chủ rừng đã tăng cường công tác tuần tra, giám sát trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, số vụ vi phạm lâm luật đã giảm rõ rệt, cụ thể: số vụ phá rừng trái phép từ 528 vụ/năm 2011 giảm xuống còn 33 vụ/năm 2015; diện tích rừng bị phá từ 84,30 ha/năm 2011 giảm còn 8,8 ha/năm 2015; số vụ khai thác rừng trái phép từ 153 vụ/năm 2011 giảm còn 46 vụ/năm 2015; số vụ cháy rừng từ 19 vụ/năm 2011 giảm còn 3 vụ/năm 2015 và theo đó diện tích rừng bị cháy từ 321,34 ha giảm còn 34,30 ha.
Chính sách chi trả DVMTR cũng đã cải thiện sinh kế người làm nghề rừng. Diện tích rừng của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng để quản lý, bảo vệ năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2015 đã giao 45.204,43 ha cho 3.642 hộ gia đình, 22 cộng đồng, dân cư thôn. Quỹ Kon Tum đã chi trả cho các chủ rừng trên 51 tỷ đồng (đơn giá chi trả DVMTR bình quân đối với hộ gia đình khoảng 349.000 đồng/ha/năm, chi trả đối với cộng đồng khoảng 251.000 đồng/ha/năm và chi trả). Từ năm 2011 đến năm 2015 các chủ rừng là tổ chức đã khoán rừng cho người dân, cộng đồng bảo vệ năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2015 đã giao khoán 140.289,25 ha cho 5.056 hộ gia đình, 64 cộng đồng dân cư thôn và 29 nhóm hộ, với tổng số tiền DVMTR thanh toán của 5 năm là 151.693.080.293 đồng; đơn giá chi trả bình quân từ 230.692 đồng/ha/năm đến 579.398 đồng/ha/năm.
Việc triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn lực tài chính bền vững để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng là tổ chức, chính quyền địa phương các cấp, đời sống của người làm nghề rừng được cải thiện rõ rệt qua từng năm, đặc biệt là cộng đồng dân cư, người dân sống trong rừng, gần rừng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tình trạng khai thác vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm nương rẫy và các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã giảm rõ rệt qua từng năm so với thời gian chưa triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: tình trạng chây ì, trì hoãn không kê khai, chậm nộp tiền của một số đơn vị sử dụng dịch vụ, chủ yếu là các nhà máy thủy điện nhỏ; việc quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR trong những năm đầu còn lúng túng; các chủ rừng chưa xác định và chi trả tiền DVMTR cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nhận khoán quản lý bảo vệ rừng kịp thời.
Để tiếp tục triển khai tốt chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn trong thời gian tới, các cơ quan, địa phương và các chủ rừng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, cộng động dân cư thôn về tầm quan trọng của tài nguyên rừng và chính sách chi trả DVMTR; các đơn vị sử dụng DVMTR có lưu vực nội tỉnh cần chấp hành nghiêm túc, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thực thi chính sách chi trả DVMTR; UBND các huyện, thành phố cần tăng cường công tác giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, giảm dần số diện tích do UBND các xã, thị trấn trực tiếp quản lý, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân; tăng cường giám sát việc chi trả tiền DVMTR cho người dân, đảm bảo người dân được nhận tiền đầy đủ, kịp thời...