Hôm nay, những cán bộ, nhân viên của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum lại tiếp tục hành trình, đó là chuyến đi tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho cán bộ và người dân tại xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi. Chuyến đi bắt đầu từ 5 giờ sáng, nhưng không khí mà chúng tôi cảm nhận được đó là sự hào hứng, nhiệt huyết bởi nhờ những chuyến đi như thế này trước đó mà công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Kon Tum đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho các hộ dân được giao đất, giao rừng
Xã Đăk Ang là một xã vùng sâu, điều kiện kinh tế khó khăn với trên 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy vậy, năm nào bà con trong xã cũng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đến tận nơi, tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR và hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tiền DVMTR. Đến nay, bà con đã không còn xa lạ với chính sách chi trả DVMTR và những hiệu quả mà chính sách này mang lại.
“Bây giờ người dân đã hiểu được chính sách chi trả DVMTR là người dân bảo vệ rừng tốt nhất sẽ được chi trả tiền cao nhất. Nghĩa là người dân cung ứng dịch vụ tốt nhất sẽ được bên sử dụng dịch vụ trả tiền nhiều nhất. Trước đây, dù bảo vệ rừng tốt hay xấu thì cũng chỉ nhận được chừng đó tiền, nhưng bây giờ chất lượng rừng cung ứng được nhận từ 400 – 800 ngàn đồng/ha, tùy từng lưu vực. Cho nên, chính sách chi trả DVMTR đã thúc đẩy người dân có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn để được hưởng lợi nhiều nhất từ rừng”, ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum phân tích.
Được Nhà nước giao quản lý hơn 9 ha rừng tái sinh từ năm 2014, gia đình bà Y HLoa (thôn Đăk PLái, xã Đăk Ang) được tuyên truyền rất nhiều về chính sách chi trả DVMTR và công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bà HLoa chia sẻ: “Trước kia, phần đất rừng tôi được giao bảo vệ bị bà con lấn chiếm để trồng mì, làm rẫy. Nhưng từ khi được giao rừng và được chi trả tiền DVMTR để bảo vệ rừng, diện tích rừng này đã tái sinh. Bà con không còn lấn chiếm đất rừng như trước nữa”.
“Nhờ được cán bộ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum giới thiệu các mô hình phát triển sinh kế, mà gia đình tôi đã biết sử dụng nguồn tiền chi trả DVMTR để đầu tư trồng cà phê, nuôi vịt, nuôi dê. Kinh tế gia đình từ đó đã khá hơn nhiều, mua sắm được đồ dùng gia đình, con cái được học hành đầy đủ”, anh A Thiêm (thôn Đăk Giá I, xã Đăk Ang) cho biết.
Người dân xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi) thảo luận về lợi ích mà rừng mang lại cho cuộc sống của con người
Rõ ràng, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại nhiều đổi thay cho cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số tại xã Đăk Ang. Nhờ đó, bà con có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, tích cực tham gia tuần tra, quản lý rừng. Đây là một chính sách phát triển rừng bền vững giúp người dân nâng cao thu nhập từ rừng để gắn bó hơn với nghề rừng.
Nói về hiệu quả mà chính sách chi trả DVMTR mang lại, ông Nguyễn Ngọc Thất - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ang cho biết: “Chính sách chi trả DVMTR được triển khai trên địa bàn đã giúp hàng trăm hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương có nhận thức đầy đủ về bảo vệ tài nguyên rừng. Nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo nhờ các mô hình phát triển sinh kế mà Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giới thiệu. Thời gian tới, xã Đăk Ang sẽ tiếp tục phối hợp cùng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức tuyên truyền đến người dân để chính sách này ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn nữa”.