Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả cho UBND các xã, thị trấn với số tiền là hơn 50,7 tỷ đồng. Trong thời gian qua UBND các xã, thị trấn thực hiện tương đối tốt việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong công tác lập và phê duyệt dự toán thu, chi tiền chi trả DVMTR, quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR và quyết toán sử dụng tiền chi trả DVMTR của UBND các xã, thị trấn vẫn còn chưa khoa học, đôi khi thực hiện còn lung túng và nhiều khi thực hiện một số nội dung còn chậm so với thời gian quy định.
Để góp phần thực hiện tốt hơn nữa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thành lập các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum tại văn bản số 1516/UBND-NNTN ngày 13/6/2017 về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã trên địa bàn tỉnh. Ngày 20/6/2017 Liên ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh ban hành văn bản số 115/CV-LN hướng dẫn việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã được thành lập nhằm mục đích để huy động các nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng (trong đó chủ yếu là nguồn tiền DVMTR từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chuyển theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 của Chính phủ); tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện có và phát triển rừng mới (nếu có); nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có hoạt động trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho UBND các xã, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thành lập 45 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã/9 huyện, thành phố; hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm đối với các xã có nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 30 triệu đồng/năm.Thành lập các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã, trong đó quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc; quản lý, sử dụng nguồn tài chính của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã trong công tác phân bổ nguồn kinh phí cho công tác quản lý bảo vệ rừng; phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức nghiệm thu diện tích rừng cung ứng DVMTR hàng năm làm cơ sở chi trả DVMTR, kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
Hy vọng với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và sự nỗ lực và cố gắng của các địa phương, các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã sẽ sớm đi vào hoạt động, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ được thực thi tốt hơn ở cấp xã./.