Cộng đồng thôn Tân Đum, xã Xốp được Nhà nước giao quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích là 94,77 ha; số tiền được ủy thác chi trả DVMTR năm 2016 là 11.707.519 đồng; trước đây khi cộng đồng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) sẽ chia đều cho các hộ dân trong thôn, họ chưa biết cách sử dụng số tiền DVMTR được nhận, hàng năm sao cho hiệu quả, chưa sử dụng số tiền nhận được để phát triển sinh kế cho các hộ gia đình ở trong cộng đồng dân cư thôn. Năm 2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án IPFES trung ương và Ban Quản lý Dự án IPFES tỉnh tổ chức Khóa tập huấn “Quản lý và sử dụng tiền DVMTR trong phát triển sinh kế có lồng ghép giới tại thôn làng” cho các cộng đồng dân cư thôn, hướng đến mục tiêu quản lý và sử dụng tiền chi trả DVMTR có hiệu quả vào 3 mục đích chính đó là: Sử dụng nguồn tiền đó cho công tác quản lý và bảo vệ rừng, các hoạt động chung của thôn, phát triển sinh kế hộ gia đình.
Ngày 14/6/2017 khi trở lại xã Xốp huyện Đăk Glei để hỗ trợ đánh giá cách quản lý và sử dụng tiền DVMTR của các cộng đồng dân cư thôn thuộc xã Xốp, chúng tôi rất vui mừng khi bà con đã biết cách sử dụng nguồn tiền DVMTR hiệu quả và tiêu biểu nhất là cộng đồng thôn Tân Đum. Sau khóa tập huấn năm 2016 họ đã triển khai thực hiện thành lập Ban quản lý dịch vụ môi trường rừng của thôn gồm 07 thành viên với nhiệm kỳ 02 năm;
Ban quản lý dịch vụ môi trường rừng của thôn đã xây dựng quy chế sử dụng tiền DVMTR (cụ thể như: Tuần tra quản lý bảo vệ vào mùa khô 05 lần/tháng; mùa mưa 03 lần/tháng, tuần tra đột xuất 03 lần/tháng; chi trả công tuần tra 150.000 đồng/công; chi các hoạt động chung của thôn như: chi thăm hỏi ốm đau 200.000 đồng/lần, chi họp thôn vào các ngày lễ lớn của đất nước 300.000 đồng/lần; Cho vay vốn phát triển sinh kế cả cộng đồng đã họp và thống nhất trích lại với tổng số vốn là 10.000.000 đồng, đối tượng cho vay là hộ nghèo có kế hoạch phát triển sinh kế hộ gia đình mình, số hộ cho vay là 02 hộ, lãi suất vay 0,5%/tháng, thời gian vay là 12 tháng;…); lập kế hoạch chi tiết sử dụng nguồn tiền DVMTR hàng năm; biết cách ghi chép quản lý sổ sách chứng từ.
Có thể thấy: Sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng các quy định của địa phương là thực sự cần thiết, quá trình này phải được thực hiện ngay từ ban đầu, bởi vì một quy ước bảo vệ rừng cộng đồng và một quy chế sử dụng tiền DVMTR của cộng đồng luôn phải gắn chặt với lợi ích của mỗi thành viên trong cộng đồng; từ đó giúp người dân nhận thấy rằng từ nguồn tiền DVMTR hàng năm được nhận cả cộng đồng đều được hưởng lợi, nếu biết cách sử dụng tiền DVMTR hiệu quả, công khai, minh bạch thì đó chính là “Lấy rừng để giữ lấy rừng” người dân có tiền để chi trả cho công tác quản lý bảo vệ rừng, chi cho các hoạt động chung của thôn và đặc biệt là có thể giúp các hộ nghèo trong thôn có vốn phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên xóa đói, giảm nghèo thắt chặt tình đoàn kết của các hộ gia đình trong cộng đồng.
Một khi cộng đồng đã biết cách sử dụng nguồn tiền DVMTR hiệu quả, công khai và minh bạch, trong cộng đồng có sự thống nhất cao thì cánh rừng của cộng đồng thôn sẽ được bảo vệ tốt hơn, góp phần cùng với toàn xã hội chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên rừng bền vững, hi vọng rằng những năm tiếp theo cộng đồng thôn Tân Đum, xã Xốp, huyện Đăk Glei sẽ làm tốt hơn nữa trong việc sử dụng tiền DVMTR hiệu quả cũng như trong công tác quản lý và bảo vệ rừng./.